Từ tháng 4/2018, VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, tài khoản nhà đầu tư bốc hơi, giao dịch ảm đạm, bên cạnh việc lao đao chạy chỉ tiêu kinh doanh, nhiều môi giới còn phải mưu sinh đủ nghề để kiếm sống như buôn bán mỹ phẩm, đồ gỗ…
"Quay phí" không ăn thua, môi giới đi bán thêm... Mỹ phẩm, đồ gỗ
Đầu tháng 4/2018, chỉ số VN – Index đã tăng trưởng mạnh mẽ và phá vỡ mức kỉ lục 1179,32 điểm vào ngày 12/3/2007. Sau khi thiết lập mức đỉnh cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam 1.204,33 điểm ngày 9/4, chỉ số VN – Index đã quay đầu giảm 24% về ngưỡng thấp nhất 916 điểm ngày 29/5. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất kể từ năm 2014.
Thị trường liên tục giảm điểm mạnh khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng. Với thanh khoản sụt giảm mạnh, giao dịch èo uột, môi giới của các công ty chứng khoán khó khăn hơn trong việc đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh theo quý, theo tháng.
"Để nhận được mức lương tối thiểu, các công ty chứng khoán luôn áp chỉ tiêu kinh doanh là mức phí giao dịch. Hàng tháng, hàng quý môi giới phải "chạy" đủ chỉ tiêu đó. Giai đoạn thị trường lên, em "quay phí" tài khoản của khách, tức là mua bán luôn trong phiên, khách cũng vui vì có lời, mà vừa đủ chỉ tiêu kinh doanh. Đến giai đoạn đỏ lửa này, cứ xuống tiền là cầm chắc phần lỗ, quay phí cũng chẳng ăn thua, nhà đầu tư không giao dịch nên bọn em chật vật kiếm khách cho đủ chỉ tiêu", môi giới Đ. A. Của một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ.
Không gian làm việc của những môi giới chứng khoán. Ảnh: HL
Câu chuyện giữ chân khách hàng vẫn là một bài toán khó đối với nghề môi giới, đặc biệt là những người trẻ mới vào nghề.
Đối với những môi giới "nếm mùi" sóng gió nhiều năm kinh nghiệm trên chứng trường, họ luôn có chiến lược đầu tư, bảo toàn lợi nhuận lại giữ chân được khách hàng. Những đối với những môi giới trẻ, ít kinh nghiệm, đa phần không quản trị được rủi ro tài khoản cho khách hàng, dẫn đến thua lỗ nên khách cũng bỏ nhiều, ông T., một trưởng phòng môi giới cho hay.
Ra trường được một năm và vào công ty làm môi giới chứng khoán, khi thị trường thuận, tư vấn mua bán cổ phiếu cho khách hàng cũng dễ kiếm lời. Thời gian này, khách hàng thua lỗ, phí giao dịch thấp, để trang trải chi phí sinh hoạt, phải chuyển sang làm nghề bán mỹ phẩm. Nhiều môi giới mới vào nghề khác cùng công ty còn đi bán cả đồ gỗ, nữ môi giới M. Tâm sự.
Một môi giới trẻ T.L. Vui vẻ chia sẻ, tư vấn cổ phiếu khó và áp lực lớn, chuyển sang nghề trái là sale khách đồ gỗ mỹ nghệ, đồ phong thủy là công việc đơn giản hơn rất nhiều.
Thị trường chứng khoán khó khăn, môi giới đổi nghề sang bán đồ gỗ. (Ảnh: NVCC)
Mùa World Cup, uống rượu bia nhiều hơn nước lọc
Công việc của môi giới chứng khoán đơn thuần là việc cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phiếu và hỗ trợ giao dịch cho khách hàng. Ngoài việc tư vấn cho khách hàng trong thời gian giao dịch, các môi giới chứng khoán cũng phải đối mặt với chuyện tiệc tùng tiếp khách triền miên để giữ mối quan hệ.
"Là môi giới trẻ, tôi cũng phải thường xuyên giữ quan hệ với các tay to (những người có tài khoản lớn, giao dịch thường xuyên). Sau mỗi phiên giao dịch, khách hàng hẹn café, đi ăn nhậu để trao đổi về thị trường và cổ phiếu. Đợt này, mùa World Cup nên tôi thường xuyên có hẹn với khách hàng tại quán bia, quán nhậu. Đặc thù công việc, có những ngày uống rượu bia còn nhiều hơn nước lọc", môi giới Đ. A. Cho biết.
Nhậu mùa World Cup.
Phái sinh cũng… chết, cháy tài khoản nhanh lắm!
Khi thị trường cơ sở trở nên khó khăn, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang giao dịch phái sinh. Minh chứng bằng việc tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh trong tháng 5, đạt 1.640.735 hợp đồng và 162.529,58 tỷ đồng, tăng 191,17% và 162,46% so với tháng 4.
Để đủ phí mức phí giao dịch hàng tháng và giữ chân khách hàng chuyển sang công ty chứng khoán khác, nhiều môi giới cũng phải tích cực tìm kiếm và tư vấn khách hàng giao dịch phái sinh. Nhiều công ty chứng khoán cũng áp dụng chiến lược phí giao dịch rẻ để thu hút nhà đầu tư phái sinh.
Bên cạnh ưu điểm là tất toán giao dịch lãi lỗ trong ngày, giao dịch nhanh và tỷ lệ sinh lời cao trong phiên giao dịch. Thị trường phái sinh cũng tiềm chứa nhiều rủi ro vì sử dụng tỷ lệ ký quỹ cao, đặc biệt trong những phiên giao dịch biến động biên độ lớn. Nhiều trường hợp, nhà đầu tư có thể bị "cháy" tài khoản (call margin) chỉ trong một phiên giao dịch, môi giới Đ. Cho biết.
Tài khoản của nhà đầu tư giao dịch phái sinh luôn có khả năng cháy trong phiên. Ảnh: HNX
Môi giới Đ. Giải thích thêm, công ty chứng khoán áp dụng tỷ lệ ký quỹ phái sinh 1:7, tức nhà đầu tư có thể giao dịch phái sinh với giá trị hợp đồng tương lai bằng 8 lần tài sản thực có.
Mỗi điểm số của HĐTL VN30 có giá là 100.000 đồng. Nhà đầu tư có thể giao dịch một HĐTL VN30 1.000 điểm (tương đương 100 triệu đồng) với số vốn thực có là 12,5 triệu đồng. Nếu trong một phiên biến động khoảng 20 điểm, tức nhà đầu tư đã lỗ 2 triệu đồng/hợp đồng, ứng với mức lỗ 16% chỉ trong một phiên. Do đó, giao dịch phái sinh nếu không nhanh nhạy và có nguyên tắc giao dịch, rất dễ "cháy" tài khoản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét