"Lạm phát tâm lý rất nguy hiểm và chúng ta đã từng chứng kiến" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2018 tăng 0,55% so với tháng trước - tháng có CPI tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây và tăng đến 3,86% so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu liên tục leo thang
Tăng giá xăng dầu liên tục được xem là một trong những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 5 vừa qua tăng mạnh. Ví dụ trong nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%. Giá giao thông tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần. Trong đó có bốn lần tăng khá mạnh. Hiện giá xăng A95 đứng ở mức 21.511 đồng/lít, cao hơn 1.221 đồng/lít so với đầu năm và giá xăng E5 ở mức 19.940 đồng/lít, tăng thêm 1.697 đồng/lít. Giá dầu mazut cũng nhảy lên mức 14.437 đồng/ kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với đầu năm.
Đáng lo nữa là sắp tới đây việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít nếu được chấp thuận và áp dụng từ ngày 1-7 sẽ tác động rất lớn đến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng.
Ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam bộ, Tập đoàn Mai Linh, cho biết giá cước taxi hãng này đã tăng cách đây hai tuần với mức tăng thêm 1.100 đồng/km. "Với đà tăng liên tục của giá xăng, sắp tới còn tăng thuế môi trường có thể khiến giá xăng nhảy lên nữa. Trong khi hãng taxi truyền thống lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ và các loại hình vận tải khác nữa, giá xăng tăng sẽ khiến hãng thêm khó khăn" - ông Tuynh chia sẻ.
Các DN vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá xăng tăng liên tục. Đại diện một DN vận tải hàng hóa tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho hay đã tăng giá vận chuyển cứ 100 km thì tăng thêm 70.000 đồng vì giá xăng dầu tăng. Việc tăng này được áp dụng từ đầu tháng 6 dù nhiều khách hàng phản ứng, dọa chuyển sang đơn vị vận tải khác nhưng đành chấp nhận vì để mức giá vận chuyển như cũ sẽ lỗ.
Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long, phân tích: Giá xăng dầu chiếm tỉ lệ rất lớn, 30%-40%, trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải nên sẽ tác động rất lớn đến chi phí, giá thành dịch vụ. "Hiện tại đơn vị vận tải rất khó khăn khi phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, trong đó nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu xe. Cộng thêm thời gian gần đây giá xăng dầu liên tục leo dốc nhưng các đơn vị vận tải đang nhìn nhau để xem xét điều chỉnh tăng giá vì sợ mất khách hàng. Cước vận tải tăng thì người dân là người chịu thiệt cuối cùng" - ông Liên nói.
Bên cạnh giá xăng, giá gas cũng tăng gần 30.000 đồng/ bình 12 kg trong thời gian ngắn vừa qua khiến người tiêu dùng khóc ròng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét