Kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn tiếp tục tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất USD trong 6 tháng đầu năm nay. Lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 0%.
Xem thêm lãi suất ngân hàng vietinbank 2018
Kiều hối chảy mạnh về nước
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM, kiều hối về TP HCM trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm 2017. 72% Kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% cho tiêu dùng cá nhân.
Lượng tiền chuyển về chủ yếu vẫn đến từ Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%). Đồng thời, do lãi suất gửi USD ở mức 0% nên nhiều người nhận kiều hối đã chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/4 cho thấy, năm 2017, khoảng 266 triệu lao động nhập cư trên khắp thế giới đã gửi 466 tỷ USD về các quốc gia, tăng 8,5% so với 429 tỷ USD của năm 2016. Việt Nam vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2017.
WB cho rằng sự phục hồi về lượng kiều hối tốt hơn mức dự báo được WB đưa ra trước đó nhờ sức mua tăng cao tại Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ. Sự phục hồi này cũng nhờ vào giá dầu tăng, euro và rúp mạnh hơn.
Đứng đầu trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái là Ấn Độ, với 69 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc với 64 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Philippines và Mexico với 33 tỷ USD và 31 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 10 với 13,8 tỷ USD trong 2017, tăng từ 11,9 tỷ USD năm 2016 và 13,2 tỷ USD năm 2015.
Tuy nhiên, WB cũng nhận định, trong dài hạn, những rủi ro đối với sự tăng trưởng của dòng kiều hối là chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn tại nhiều quốc gia có dòng kiều hồi lớn. Ngoài ra, chiến lược giảm rủi ro từ các ngân hàng và siết quy định của các hãng chuyển tiền - nhằm giảm tội phạm tài chính, cũng sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng của dòng kiều hối chính thống.
Lãi suất USD 0% không ảnh đến kiều hối
Liên quan đến chính sách lãi suất đối với USD, trước động thái tăng lãi suất USD của Fed, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết nâng lãi suất huy động tiền gửi bằng USD tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Một số chuyên gia kinh tế - tài chính và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định, chưa có ý định trả lãi cho người gửi USD vì chính sách lãi suất USD 0% đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho VND. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm.
Sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, theo NHNN, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm thể hiện qua tỷ lệ đô-la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% tại thời điểm cuối năm 2017.
Hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến cuối tháng 2/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Về cơ bản, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối.
Tin liên quan https://vietnambiz.vn/tags/lai-suat-tiet-kiem-23589.tag
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, nhờ triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp này, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức và dân cư đã giảm đáng kể, lượng ngoại tệ bán cho hệ thống ngân hàng liên tục tăng, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét