Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 3.524 cơ sở chăn nuôi, trong đó có tới 3.520 cơ sở quy mô nông hộ nhỏ lẻ (chiếm 99,9%). Toàn huyện mới chỉ có 4 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Đáng chú ý, 100% cơ sở chăn nuôi tại huyện Thanh Trì (bao gồm cả chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại) đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với chăn nuôi theo loại hình trang trại, hiện 4/4 trang trại đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với chăn nuôi nông hộ, việc áp dụng các biện pháp xử lý môi trường còn rất hạn chế. Tính đến nay, chỉ có 1.330 hộ có công trình xử lý chất thải chăn nuôi (chiếm gần 38% tổng số hộ chăn nuôi). Nhiều biện pháp xử lý chất thải đã được các hộ áp dụng, trong đó, khoảng 5,2% hộ xây dựng công trình khí sinh học (biogas); 94,6% hộ ủ hoặc bán/cho phân gia súc, gia cầm; 0,2% hộ làm đệm lót sinh học và 0,1% hộ xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học. Đến nay, vẫn còn 2.190 hộ xả thẳng chất thải chăn nuôi ra môi trường. Đồng nghĩa với khoảng 2/3 lượng chất thải trong chăn nuôi tại huyện Thanh Trì không qua xử lý, xả thẳng ra môi trường.
Thiếu giải pháp căn cơ
Đánh giá hiện trạng môi trường chăn nuôi của huyện Thanh Trì khiến nhiều người không khỏi lo ngại về nguy cơ ô nhiễm lâu dài. Vậy nhưng việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường tại địa phương này hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, năm 2006, địa phương đã xây dựng Dự án chuyển đổi chăn nuôi ra ngoài khu dân cư tại xã Tả Thanh Oai với diện tích 6,84ha, tuy nhiên chỉ có 33 hộ tham gia dự án. Huyện cũng đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các nông hộ thực hiện xử lý môi trường chăn nuôi như xây lắp bể biogas, làm đệm lót sinh học, xử lý môi trường bằng men vi sinh… nhằm phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Đối với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện cũng đã hướng dẫn các chủ trang trại thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vệ sinh môi trường. Dù vậy, đến nay toàn huyện mới chỉ có... Một trang trại chăn nuôi lợn đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Nguyên nhân khiến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Thanh Trì còn nhiều khó khăn được Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Đức Quỳnh chỉ ra là do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún chiếm tỷ lệ cao. Ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của người chăn nuôi còn hạn chế. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý môi trường ở cấp xã thường kiêm nhiệm (làm công tác địa chính kiêm môi trường), do đó việc quản lý, kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của các hộ dân chưa được thường xuyên, liên tục.
Theo đó, ông Quỳnh kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ huyện, xã về công tác bảo vệ môi trường và các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi nắm bắt, thực hiện. Bên cạnh đó, TP tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Đây sẽ là điều kiện để địa phương từng bước giải bài toán môi trường đang nan giải hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét