Người ta thường biết đến công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản, quả xoài tươi, sầu riêng đông lạnh sang Mỹ.
Những lần đầu tiên ấy gây tiếng vang, mở đường xuất khẩu cho nông sản Việt ở những thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Đằng sau sự thành công đó cần nhắc cái tên Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Chánh Thu với những chiến lược táo bạo, xây dựng doanh nghiệp từ đống tro tàn.
Chèo lái con thuyền gia đình trước sóng gió thương trường, câu chuyện của nữ lãnh đạo Chánh Thu cũng mang những màu sắc mới mẻ dù không ít thử thách, gian truân.
Chị Ngô Tường Vy: Tôi không phải là người sinh ra ở vạch đích. Điểm xuất phát của tôi là con số âm.
Năm tôi 10 tuổi, cha mẹ tôi kinh doanh thất thoát, tài sản có bao nhiêu đều cầm cố hết, chủ nợ đeo bám mỗi ngày. Lúc đó tôi quá nhỏ để hình dung khoản nợ lớn đến chừng nào, chỉ nhớ rằng chiếc ti vi duy nhất trong nhà cũng bị họ mang đi.
Chính lúc này, tôi muốn vươn lên thay đổi cuộc sống, làm những điều ba mẹ tôi chưa làm được.
Có lẽ, con nhà nòi ở đây là vốn sống, máu kinh doanh ba mẹ truyền lại cho tôi. Những phép toán cộng trừ, nhân chia "nuôi" tôi thành một doanh nhân. Hành trình khởi nghiệp gian nan, cực khổ trăm bề của ba mẹ rèn giũa tôi thêm bền bỉ, lì lợm trước những khó khăn trên thương trường.
Mọi người thường nghĩ tôi đi du học nước này nước kia nhưng thực chất tôi chưa có bằng đại học nào. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lên TP HCM học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh… rồi về phát triển vựa trái cây của của gia đình thành công ty Chánh Thu hiện nay.
Vì sao gia đình chị quyết định chuyển từ vựa trái cây thành công ty chuyên nghiệp?
Chị Ngô Tường Vy: Chính từ những vấp ngã của ba mẹ, tôi nhận ra rằng việc kinh doanh trước đây theo kiểu "ăn xổi ở thì", miễn sao có lời, có tiền.
Những trải nghiệm ở thành phố lớn cho tôi hiểu rằng đó không phải thứ mình muốn. Tôi muốn tạo ra những giá trị lâu bền, không đơn thuần về kinh tế, mà còn ở giá trị con người và những điều tạo nên hai chữ Chánh Thu.
Lúc mới khởi nghiệp, Chánh Thu chưa có đội ngũ chuyên nghiệp, một mình tôi phải vận hành hàng trăm tấn nông sản mỗi ngày, làm tất cả các công việc từ giấy tờ, kế toán, kiểm tra chất lượng…
Lúc đó, giấc ngủ đủ thật xa xỉ vì khối lượng công việc quá lớn, tôi chỉ ngủ 3 tiếng/ngày. Nhưng những ngày tháng cực khổ đó giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và nuôi nhưng ước mơ lớn hơn.
Người ta kinh doanh vì tiền nhưng đối với tôi việc tạo ra giá trị cho những người đồng hành cùng doanh nghiệp như công nhân, nông dân còn quan trọng hơn cả.
Bởi, nếu chỉ kiếm tiền cho cá nhân, gia đình hưởng thụ thì điều này khá dễ và an nhàn, tôi không cần phải lăn lộn, vất vả như vậy.
Có thể hôm nay tôi chưa thành công được như những gì tôi mong đợi, nhưng tôi có ước mơ, ước mơ càng lớn, càng cho tôi nhiều động lực.
Vậy ước mơ lúc đó của chị là gì và nó lớn lên như thế nào?
Chị Ngô Tường Vy: Ban đầu, tôi chỉ mong muốn làm sao trả hết nợ để người ta không coi thường ba mẹ mình.
Nhiều người hỏi tôi rằng vì sao lấy tên công ty là Chánh Thu thay vì nhiều cái tên dễ nhớ hay tên tiếng Tây sang chảnh. Tôi chỉ cười và nói rằng đó là tên ba mẹ tôi, họ xứng đáng được mọi người công nhận.
Từ thành công xây dựng thương hiệu Chánh Thu, ước mơ của tôi cũng lớn dần, tôi muốn góp phần xây dựng thương hiệu chuỗi trái cây "made in Viet Nam".
Vậy, ý tưởng xây dựng chuỗi nông sản "made in Viet Nam" bắt nguồn từ đâu?
Chị Ngô Tường Vy: Tôi luôn trăn trở vì sao cùng là nông sản, trái thanh thanh long của Đài Loan lại bán giá gấp 5 – 10 lần hàng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Họ có nhiều đơn hàng xuất khẩu trong khi sản lượng cực kỳ nhỏ. Tôi tìm đến vùng đất này để giải mã câu hỏi này?
Tôi tìm đến vùng trồng thanh long ở Đài Loan. Tôi thấy vườn trái cây chín đỏ, ngỏ ý muốn mua vài trái ăn thử nhưng tuyệt nhiên người nông dân không bán dù tôi trả giá cao nhường nào.
Ông ấy nói rằng: "Trái thanh long chưa đủ tuổi, chưa đủ độ đường. Nếu tôi bán cho cô, cô ăn không thấy ngon như lời đồn, cô sẽ đánh giá trái thanh long của Đài Loan không ngon, ảnh hưởng đến cái thương hiệu của chúng tôi".
Nông dân ở đây hiểu rằng họ sản xuất không chỉ vì lợi nhuận cho riêng mình mà còn vì thương hiệu quốc gia. Vì vậy, cùng là trái cây nhưng giá trị ở Đài Loan luôn cao hơn các nước khác trong khu vực.
Giờ phút đó, tôi đã ôm người nông dân đó và khóc. Chính câu nói đó thay đổi hoàn toàn tư duy của tôi. Trở về Việt Nam, tôi bắt đầu xây dựng từ gốc rễ bởi khi có vùng nguyên liệu tốt, chúng ta có thể bước ra với thế giới mà không cần lo đầu ra.
Còn tiếp...